Bảo đảm an toàn cho người dân vùng ngập lũ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT). Trước khi vào mùa mưa bão, UBND thành phố Phủ Lý đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuẩn bị tốt các điều kiện, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phương án bảo đảm an toàn cho người dân vùng ngập lũ khi thực hiện chuyển lũ sông Đáy.
Vùng chuyển lũ sông Đáy được giới hạn bởi đê hữu sông Đáy và dãy núi đá vôi của 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Như vậy, ngoài các phường Châu Sơn, Lê Hồng Phong và xã Phù Vân nằm gọn trong vùng ngập lũ, thành phố Phủ Lý còn có một phần diện tích của các phường Quang Trung, Thanh Châu, Thanh Tuyền, Hai Bà Trưng và xã Kim Bình cũng được xác định nằm trong vùng ngập lũ khi thực hiện chuyển lũ sông Đáy. Tổng diện tích tự nhiên vùng bị ngập lụt 3.234 ha, trong đó, diện tích đất canh tác 1.189 ha. Dân số trong vùng ngập lụt là 18.921 hộ, với 61.716 nhân khẩu; trên 6.190 người cần được hỗ trợ khi sơ tán.
Khu vực ven sông Đáy, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) từng bị ngập sâu trong trận lũ hồi tháng 10/2017.
Thành phố Phủ Lý đã xác định rõ nguy cơ bị ảnh hưởng và thiệt hại có thể xảy ra khi thực hiện phân lũ sông Đáy. Do đó, việc xây dựng phương án nhằm tăng cường sự chủ động ứng phó là rất cần thiết. Phương án được xây dựng dựa trên những căn cứ vào các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro có khả năng xảy ra tại địa phương, công trình bị tác động do thiên tai cũng như khả năng, năng lực ứng phó thiên tai của tổ chức, cá nhân.
Trong những năm qua, hệ thống đê bối, giao thông, thủy lợi trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã được đầu tư nâng cấp, nhưng có một số công trình và nhiều đoạn đê bối chưa đáp ứng được yêu cầu khi nước sông Đáy vượt báo động số III. Có nhiều đoạn đường giao thông cao trình thấp, dễ bị ngập, gây khó khăn cho việc đi lại. Trên tuyến đê tả Đáy thuộc các xã Phù Vân và Kim Bình, một số đoạn nền đất yếu, có nhiều đầm ao sâu ngay sát chân đê, dẫn đến nguy cơ sạt lở mái đê. Nhiều đoạn kè đê ở các xã, phường khác cũng xuất hiện các chỗ bong, nứt. Trên địa bàn thành phố Phủ Lý có 8 trạm bơm, công suất từ 1.000m3/h – 4.000 m3/h. Hầu hết các trạm bơm này có cao trình đặt động cơ thấp hơn mức nước chuyển lũ.
Trên cơ sở đánh giá hệ thống các công trình đê điều, thủy lợi và đặc điểm tình hình dân cư trong vùng ngập lũ, thành phố Phủ Lý đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT mùa mưa bão; có phương án bảo đảm an toàn cho vùng ngập lũ khi thực hiện phân lũ sông Đáy. Trên cơ sở phương án trọng điểm về PCTT và tìm kiếm cứu nạn toàn tuyến và các vị trí trọng điểm của tỉnh, vị trí trọng điểm của thành phố, các xã, phường trong vùng phân lũ chuẩn bị lực lượng xung kích hộ đê của địa phương, cử lực lượng thường trực trên đê.
UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, tổ chức trực ban PCTT 24/24 giờ; phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Phủ Lý sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý sự cố hư hỏng công trình và hỗ trợ nhân dân vùng ngập úng; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, nhất là đối với những vùng dễ bị chia cắt, đi lại khó khăn. Có kế hoạch tổ chức thu hoạch sớm các loại cây trồng, nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tổ chức khơi thông cống rãnh thoát nước, hạn chế ngập úng. Một trong những nhiệm vụ các địa phương hết sức quan tâm, đó là triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán cho người dân đi và đến.
Hiện các xã, phường vùng ngập lũ trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở. Các xã, phường xây dựng phương án PCTT, phương án sơ tán nhân dân. Việc phối hợp cắm biển báo, bố trí lực lượng chốt chặn ở những đoạn đường ngập sâu, cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập, các khu vực nguy hiểm đã được tính đến. Công tác phối hợp với các lực lượng vũ trang sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu, sơ tán dân khi cần; công tác tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục vụ sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường do lũ lụt gây ra… cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Phường Châu Sơn lập danh sách 100 người trong lực lượng tuần tra, chuẩn bị 15 xe tải; 2.000 bao tải; 200 kg tre, rào, rơm; 6 cơ số thuốc theo yêu cầu chỉ đạo của UBND thành phố Phủ Lý. Phục vụ cho công tác PCTT, Phường Lê Hồng Phong chuẩn bị đủ vật tư, nhân lực (lập danh sách 100 người, 1.000 bao tải, 50m3 đất, 6 ô tô tải và 6 cơ số thuốc).
Ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, vấn đề mà các địa phương quan tâm nhất chính là thực hiện tốt phương án di chuyển, sơ tán người dân trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Vì vậy, các địa phương đều chú trọng việc đánh giá chính xác khả năng, mức độ ngập, lụt để có quyết sách nhanh và đúng khi cần sơ tán người dân, rà soát số người cần sơ tán, kiểm tra an toàn nơi đến, xác định đối tượng ưu tiên (trẻ em, người già, người tàn tật, thương binh, phụ nữ có thai và người không còn khả năng lao động). Đồng thời, xác định cụ thể lực lượng hỗ trợ di dân, hình thức sơ tán dân nhằm tăng cường sự chủ động trong trường hợp thực hiện chuyển lũ sông Đáy. Để thực hiện di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt an toàn, phương châm từng gia đình tự lo là chính, bằng phương tiện sẵn có, dưới sự điều hành, phân bổ của lãnh đạo địa phương.
Hiện nay, các điểm đến cho người dân di dời ra khỏi vùng ngập lụt ở từng xã, phường đã được xác định rõ; số lượng phương tiện cứu trợ được lập và có đề xuất phương án hỗ trợ từ cấp trên. Cụ thể: người dân phường Châu Sơn và Lê Hồng Phong di chuyển về các trung tâm thương mại, nhà cao tầng trên địa bàn Phường Hai Bà Trưng, người dân xã Phù Vân di chuyển về Nhà văn hóa trung tâm tỉnh…
Với tinh thần chủ động cao, chuẩn bị đầy đủ yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”, UBND thành phố Phủ Lý đã có phương án tốt nhất, sẵn sàng ứng phó, bảo đảm an toàn cho vùng ngập lụt khi thực hiện chuyển lũ sông Đáy.